Cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi

 

Hiện nay, tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều với thủ đoạn vô cùng tinh vi. Ðối tượng lừa đảo lợi dụng mạng xã hội, với những câu chuyện đánh vào sự "nhẹ dạ cả tin" của người dân về một công việc dễ dàng hái ra tiền để bị hại tin và chuyển tiền, từ đó thu lợi bất chính...

Trong suốt thời gian, Công an thành phố Đà Nẵng liên tiếp ghi nhận nhiều thông tin trình báo về nhiều trường hợp lừa đảo việc làm qua các trang mạng xã hội với nhiều hình thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Tin "việc nhẹ lương cao", mất tiền oan

Hậu Covid-19, khi nhu cầu việc làm và tuyển dụng lao động thường tăng cao, lợi dụng tâm lý nóng ruột của người dân, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng chiêu trò tuyển dụng "việc nhẹ, lương cao" để dụ nhiều người sập bẫy.

Trong đó, rất nhiều người nhận được các tin nhắn mời chào tuyển dụng với mức lương cao, dễ dàng với nội dung giống nhau, chỉ khác mỗi số điện thoại để liên hệ qua Zalo.

Khi thử liên hệ với một số điện thoại từ tin nhắn nêu trên, hầu hết các số đều không liên lạc được, trong khi một số thì tự giới thiệu mình là trưởng phòng hay nhân viên nhân sự của một tập đoàn nào đó.

Sau đó, người này sẽ hướng dẫn bạn tải App và thực hiện các nhiệm vụ giúp chạy data khách hàng với mức hoa hồng hấp dẫn. Tuy nhiên, bạn sẽ phải bỏ tiền trước để mua gói nhiệm vụ, sau khi hoàn thành sẽ được rút tiền. Ngoài việc gửi thông tin việc làm qua điện thoại, trên mạng xã hội cũng tràn lan những lời rao việc nhẹ lương cao, làm việc tại nhà trong lúc rảnh cũng kiếm từ 200-500 ngàn/ngày. Điều đáng nói ở đây là những cá nhân đăng tin tuyển dụng thường không có địa chỉ mà chỉ để lại số điện thoại hoặc nhắn tin. Yêu cầu tuyển dụng khá dễ dàng, không cần kinh nghiệm, không cần thử việc và đánh trúng tâm lý của các bạn trẻ đang mong muốn tìm việc làm.

 

Một ngày gần đây, chúng tôi nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0938389425 gọi đến. Đầu dây bên kia giới thiệu là nhân viên một công ty của Tikok. "Bạn chỉ cần like, share một bài hát trên tikok để bài hát đó lên top là có thể nhận được 200-500 ngàn/ngày, tùy thời gian rảnh rỗi bạn làm", người ở đầu dây bên kia quảng cáo. Khi chúng tôi hỏi cách thức để làm việc và nhận tiền như thế nào, thì đầu dây bên kia nói đây chỉ là số tổng đài liên hệ, còn mọi cách thức làm việc là qua một số Zalo khác, cần phải kết bạn Zalo để tiện việc liên hệ công việc.

Ngoài ra, các "con mồi" cũng dễ bị sập bẫy về việc đăng bài và chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội với những nội dung như "tuyển Cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Shoppe, Lazada, Tiki"…, với mỗi lần mua hàng, người bị hại sẽ được hoàn trả lại tiền cộng thêm tiền "hoa hồng" từ 10% -20% giá trị đơn hàng. Sau khi kết nối, bị hại sẽ được hướng dẫn cộng việc. Cụ thể, đối tượng sẽ gửi cho bị hại một đường link sản phẩm thật trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Shoppe, Lazada… yêu cầu bị hại tạo đơn hàng và thanh toán. Sau đó "hệ thống" sẽ hoàn tiền và kèm theo hoa hồng. Đối với những đơn hàng giá trị nhỏ đầu tiên, bị hại sẽ được thanh toán kèm hoa hồng như đã cam kết nhằm tạo lòng tin. Và các "con mồi" dễ dàng bị sập bẫy vì thấy kiếm tiền quá dễ dàng.

Trong những lần tiếp theo với số lượng đơn hàng lớn hơn, các đối tượng đã đưa ra nhiều lý do như: cú pháp soạn tin bị sai, hệ thống bị lỗi tài khoản ngân hàng bị sai số. Và cuối cùng là người bị hại nếu muốn nhận lại tiền thì chuyển khoản thêm tiền cho đơn hàng, nếu không sẽ bị mất toàn bộ tiền. Người bị hại với tâm lý muốn nhận lại tiền, lại tin vào lời hứa số tiền chuyển vào sẽ được hoàn trả mà liên tục chuyển tiền cho các đối tượng cho đến khi không còn khả năng chi trả thì bị các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt. Với hình thức này, nhiều bị hại đã mất từ vài triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng.

Một số thủ đoạn lừa đảo tinh vi khác

Ngoài hình thức lừa đảo nêu trên, Công an TP Đà Nẵng cũng cảnh báo các hình thức lừa đảo khác trên không gian mạng như chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook để nhắn tin mượn tiền; gửi link giả để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng; kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo, lừa đảo khi thực hiện vay tiền qua app hoặc qua thẻ ATM... Điều đáng nói, đây là những hình thức lừa đảo tuy không mới, nhưng trong thực tế vẫn có nhiều nạn nhân "sập bẫy".

Trong đó, vay tiền qua app là một trong những trào lưu được người dân lựa chọn sử dụng trong thời gian gần đây với thủ tục vay vô cùng đơn giản. Người đi vay không cần có tài sản đảm bảo, chỉ cần tải app, nhập thông tin cá nhân yêu cầu vay trực tuyến, sau khi khoản vay được phê duyệt, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của cá nhân. Thực tế, đây là hình thức cho vay đem lại nhiều điều kiện thuận lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, đã có nhiều đối tượng lợi dụng điều này để thực hiện các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đăng ký vay nhưng không nhận được tiền mà vẫn mắc nợ. Các đối tượng mời chào vay vốn với nhiều ưu đãi như: Hỗ trợ cho vay ngay cả trường hợp đang có nợ xấu, thủ tục đơn giản không cần nhiều giấy tờ, giải ngân chỉ trong 01 giờ, hạn mức cho vay lớn, lãi suất thấp,… để thu hút khách hàng. Sau đó, yêu cầu khách hàng cài đặt ứng dụng cho vay online để đăng ký hồ sơ khoản vay và gửi thông báo phê duyệt khoản vay (sử dụng con dấu giả của các ngân hàng). Tuy nhiên, sau khi khách hàng đăng ký khoản vay, các đối tượng này sẽ thông báo lỗi giải ngân và yêu cầu nộp tiền để xử lý khoản vay. Trường hợp khách hàng không đồng ý nộp tiền xử lý khoản vay sẽ bị đe dọa là thủ tục khoản vay đã được duyệt nên dù chưa nhận tiền vẫn bị nhắc nợ trên hệ thống dẫn đến khách  hàng lo lắng chuyển tiền để được xử lý.

Yêu cầu thanh toán phí hồ sơ hoặc bảo hiểm khoản vay. Đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu khách hàng chuyển trước một khoản tiền để nộp phí hồ sơ hoặc bảo hiểm của khoản vay. Nhưng sau khi đã đóng thì khách hàng không nhận được giải ngân khoản vay còn các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt số tiền này và chặn mọi liên lạc. Dụ dỗ vay tiền trên nhiều App. Các đối tượng lừa đảo lấy thông tin của khách hàng sau đó liên hệ để giới thiệu về những app vay tiền khác với nhiều lời mời hấp dẫn: Được miễn lãi suất trong lần đầu vay, vay tiền không cần chứng minh thu nhập, không cần thế chấp,… Tuy nhiên, sau khi giải ngân, khách hàng sẽ không nhận được toàn bộ số tiền vay mà chỉ nhận được một phần hoặc không nhận được đồng nào. Khi khách hàng đã không thể chi trả thì chúng sẽ gửi link tải app khác để tiếp tục vay tiền trả nợ. Cứ thế, khách hàng vướng vào vòng luẩn quẩn và ôm một khoản nợ lớn hơn ban đầu rất nhiều.

Qua đây, Công an TP Đà Nẵng đề nghị Công an các đơn vị, địa phương, các cơ qua truyền thông, báo chí tuyên truyền thủ đoạn để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an TP Đà Nẵng sẽ tập trung xác minh, đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm ngăn chặn và xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật!

Khi thấy có dấu hiệu lừa đảo, trình báo ngay đến cơ quan Công an gần nhất để được giải quyết, xử lý kịp thời.

Theo "Trang thông tin điện tử CATP Đà Nẵng"

Tin cùng chuyên mục

Liên kết web Liên kết web

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

0 0 0 9 7 4 2 1 4 6
Hôm nay: 3.641
Hôm qua: 6.375
Tuần này: 3.641
Tháng này: 10.016
Tổng cộng: 9.742.146