
Trước tình hình tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, gia tăng, Bộ Công an có chủ trương thành lập một lực lượng đặc biệt, chuyên nghiệp nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý kịp thời loại tội phạm này. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và căn cứ tình hình thực tế, ngày 15-2-2022, Công an thành phố tổ chức công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an thành lập Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Sau hơn 6 tháng thành lập, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã ghi nhiều dấu ấn, thành tích trong công tác phá án. Qua đó, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh mạng.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố được thành lập từ tháng 2-2022, góp phần bảo đảm an ninh mạng trên địa bàn thành phố. Ảnh: CATP
Triệt phá thành công nhiều chuyên án
Thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng Đội Cảnh sát hình sự công an các quận, huyện liên tiếp phá được nhiều chuyên án liên quan đến tội phạm công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Điển hình như vụ việc xảy ra vào tháng 7-2022, các trinh sát Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao điều tra phát hiện đối tượng Lê Thạch Tú (SN 1989) cầm đầu đường dây gồm 3 đối tượng Trần Tú Anh (SN 1996), Nguyễn Mạnh Cường (SN 1995), Sái Đình Hương (SN 1995) cùng trú tại thành phố Hà Nội có hành vi sử dụng căn cước công dân (CCCD) giả để mở tài khoản ngân hàng bất hợp pháp trên địa bàn thành phố.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Tú đã kêu gọi 10 ứng viên sử dụng nhiều CCCD giả để đăng ký hơn 200 tài khoản bất hợp pháp. Mỗi ứng viên chỉ được ký tối đa 15 tài khoản. Tú sẽ trả từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng/1 tài khoản cho các ứng viên. Sau khi có được thông tin tài khoản, Tú sẽ bán cho 1 đối tượng khác và nhận lại từ 900.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/1 tài khoản. Với tính chất vụ việc phức tạp, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chuyển hồ sơ cho Phòng Cảnh sát hình sự để khởi tố vụ án theo Điều 341, Bộ luật Hình sự và khởi tố 4 bị can nêu trên.
Trong khi đó, công an các quận, huyện cũng rất nỗ lực trong quá trình phá án. Thiếu tá Nguyễn Văn Đình, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Liên Chiểu cho biết, mặc dù các vụ việc liên quan đến tội phạm công nghệ cao rất phức tạp, nhưng với quyết tâm phá án, Công an quận đã phá thành công 2 vụ việc liên quan đến tội phạm công nghệ cao lừa đảo qua mạng.
Trong đó, có 1 vụ lừa đảo qua mạng xã hội facebook liên quan đến đối tượng Hồ Ngọc Linh (SN 1990, trú huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) thực hiện bằng hình thức "bán cây ảo, lấy tiền thật" với số tiền chiếm đoạt là 53 triệu đồng, được dư luận đặc biệt quan tâm.
Theo Thượng tá Nguyễn Đại Đồng, Phó Giám đốc Công an thành phố, từ đầu năm đến nay, Công an thành phố đã phát hiện, khởi tố 11 vụ/21 đối tượng sử dụng công nghệ cao hoạt động phạm tội trên không gian mạng.
"Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao, thời gian qua, Công an thành phố và Công an các quận, huyện đã triển khai đồng bộ lực lượng, phương tiện nghiệp vụ tổ chức nắm tình hình, đấu tranh xử lý nghiêm các đối tượng có hoạt động sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự xã hội, nhất là hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng", Thượng tá Nguyễn Đại Đồng chia sẻ.
Cảnh giác với thủ đoạn của tội phạm
Thiếu tá Nguyễn Văn Đình cho biết, mặc dù các đơn vị chức năng liên tục tuyên truyền, nhắc nhở người dân, tuy nhiên thực tế cho thấy, vẫn còn rất nhiều người chủ quan hoặc chưa tiếp cận được thông tin nên dẫn tới bị lừa đảo. Để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng, người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định; người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an. Đồng thời không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân, lai lịch.
Thượng tá Lê Cao Tâm, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo, để phòng tránh, không bị các loại tội phạm lừa đảo, dụ dỗ, người dân tuyệt đối không cung cấp mã OTP (mật khẩu sử dụng một lần) tài khoản ngân hàng cho người khác. Đồng thời, khi nhận được tin nhắn thông qua các mạng xã hội từ tài khoản của người quen, người thân với nội dung hỏi vay tiền, nhờ chuyển tiền, người dân nên kiểm tra lại bằng cách gọi điện thoại trực tiếp xác nhận thông tin.
Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không truy cập vào đường link lạ được gắn kèm trong tin nhắn, không thực hiện thao tác theo các cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ. Đặc biệt, không nên cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: căn cước công dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng...
"Người dân cần nắm bắt để hiểu biết kiến thức về pháp luật, thường xuyên theo dõi các thông báo phương thức, thủ đoạn phạm tội của cơ quan chức năng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nghiên cứu, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện các giao dịch về tài chính, đề phòng trước những khoản đầu tư mang lại "lợi nhuận cao". Bên cạnh đó, chia sẻ thủ đoạn phạm tội của bọn tội phạm cho người thân, bạn bè được biết, cảnh giác", Thượng tá Lê Cao Tâm nói thêm.
Thượng tá Nguyễn Đại Đồng cho biết, Công an thành phố đã chỉ đạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và công an các địa phương trong thời gian đến cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên các kênh thông tin đại chúng để người dân nắm, chủ động phòng ngừa. Bên cạnh đó, Công an thành phố tiếp tục phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng nhắn tin đến từng thuê bao để cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo cho người dân để nâng cao ý thức cảnh giác.
Theo "Trang thông tin điện tử CATP Đà Nẵng"
- Chiếc bẫy của lòng tham!
- Thông báo “Quyết định truy tìm người”
- Vũ ở đâu?
- Cảnh báo mưa lớn có khả năng kéo dài, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất
- Hải Châu: Thu nhận hồ sơ, đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2 tại Công an phường Hải Châu 1
- Tình hình xuất nhập cảnh tháng 11/2022
- Số liệu về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tháng 11/2022
- Tình hình tai nạn giao thông, cháy, nổ và xử lý hành chính về trật tự an toàn giao thông tháng 11/2022
- Thêm nhiều tuyến đường cấm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ và giờ cao điểm
- Công an quận Hải Châu và Công an quận Ngũ Hành Sơn ra “Quyết định truy tìm người”
- Thông tư quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ
- Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 20 Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 quy định về đăng ký xe
- Thông tư quy định về việc kiểm tra thiết bị vệ sinh tự hoại trên xe khách
- Thông tư quy định về bảo đảm an ninh tại cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài
- Thông tư quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ
- Thông tư quy định về quản lý và bảo trì công trình đường thủy nội địa
- Thông tư quy định về trách nhiệm của cá nhân và việc xử lý vi phạm trong công tác thanh tra của Ngành Giao thông vận tải
- Thông tư quy định về xây dựng, ban hành, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải
- Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
- Thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy