Công bố kho biển số trước đấu giá 30 ngày để người dân lựa chọn

 

Người trúng đấu giá biển số ô tô được quyền sang nhượng, cho tặng hoặc giữ lại biển nhưng người thứ 2 không được quyền giữ biển. Trước khi đấu giá 30 ngày, kho biển số sẽ được công khai.

 

Xuất phát từ nhu cầu của người dân, Chính phủ đã hai lần cho phép Bộ Công an tổ chức đấu giá và thu lệ phí cấp biển số tự chọn vào năm 1993 và năm 2008. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà những lần thực hiện này mới chỉ dừng ở mức độ thí điểm.

Ngày 22/9 vừa qua, tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 100% đại biểu đã đồng ý bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Thông tin này đang thu hút sự quan tâm của dư luận và giới chuyên gia.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến sáng 28/9 ở Báo điện tử Dân trí, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) và Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) giải đáp những thắc mắc, băn khoăn và tính pháp lý xung quanh chủ trương này.

Dự thảo nghị quyết mới nhất được đưa ra bàn thảo ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chính phủ đã đưa ra 5 chính sách về chủ trương đấu giá biển số ô tô:

Thứ nhất, quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các địa phương trên toàn quốc để tham gia đấu giá.

Không đưa ra đấu giá đối với một số biển số xe như: Biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của quân đội, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Thứ hai, xác định công thức tính chung, áp dụng thống nhất trong tất cả trường hợp đấu giá, là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số. Cụ thể, ở TPHCM và Hà Nội là 40 triệu/biển số; các địa phương còn lại khởi điểm từ 20 triệu đồng/biển.

Thứ ba, quy định đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu thì biển số được bán cho người đó.

Thứ tư, quy định quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá. Người trúng đấu giá được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá biển ô tô; được gắn vào phương tiện giao thông của cá nhân, tổ chức; khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác. Không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá phải thực hiện việc đăng ký biển số đó gắn với phương tiện, nếu không đăng ký xe thì sẽ bị thu hồi.

Người trúng đấu giá biển số ô tô được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá như quy định hiện hành (biển số theo xe) nhưng người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.

Thứ năm, số tiền thu được từ đấu giá biển số 100% nộp vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, giải trình thêm tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, ban đầu Bộ Công an dự kiến đấu giá biển số ô tô ở công an tỉnh, nhưng qua nghiên cứu, đánh giá thấy rằng đấu giá phân tán như vậy sẽ không đảm bảo, tính thống nhất không cao. "Do đó chúng tôi tính toán các điểm đấu giá biển số xe ô tô sẽ tập trung ở Bộ Công an"- ông Long nói.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và trình Quốc hội xem xét.

Được biết, nhiều nước đã thực hiện việc lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá như Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Myanmar…

Hai vị khách mời tham gia tọa đàm với Dân trí.

Độc giả Gia An: Ý tưởng đấu giá biển số xe đã ra đời từ năm 1993 và được giao thí điểm thực hiện thời điểm năm 1993 và 2008. Thời điểm đó việc thí điểm có kết quả như thế nào? Xin Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết nội dung chính của dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá lần này?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT: Bộ Công an với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm phục vụ, trong việc thí điểm lựa chọn thông qua đấu giá biển số xe, Cục CSGT thông qua 3 tiêu chí: Một là phục vụ người dân trong việc đăng ký, quản lý phương tiện; hai là đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người dân thích biển số đẹp; ba là nộp ngân sách cho nhà nước.

Bắt đầu từ năm 1993, Bộ Công an đã được Chính phủ giao cho 2 lần việc thí điểm việc đấu giá, sử dụng biển số, nhưng bị vướng về pháp lý: Thứ nhất là tài sản công, thứ hai là vướng về Luật Đấu giá, thứ ba là Luật Ngân sách, thứ tư là Luật Giao thông đường bộ.

Để giải quyết những vướng mắc đó, cần có một Nghị quyết của Quốc hội để tạo một hành lang pháp lý, để các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để thực thi quyền đấu giá biển số xe.

Do vậy, ngày 22/9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua và đưa vào trong chương trình xây dựng dự thảo Nghị quyết. Việc này sẽ đáp ứng được người dân và là cơ sở để cơ quan thực thi pháp luật thực hiện nhiệm vụ.

Trong dự thảo chính của dự thảo Nghị quyết lần này, tập trung ở một số vấn đề như sau: Thứ nhất là biển số đưa ra đấu giá và phương thức đưa ra đấu giá.

Chúng ta có thể thấy rằng trong dự thảo lần này chúng tôi quy định rõ, những biển số mà được đưa ra đấu giá đó là những biển số trước thời hạn 30 ngày, thì Bộ Công an sẽ đăng loại biển số đó trên các phương tiện thông tin điện tử, trang điện tử đấu giá trực tuyến... để người dân có thể lựa chọn những biển số đó, và những biển số này được đấu giá ở tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Ngoài ra, những biển số không nằm trong phạm vi đấu giá, thì được chuyển sang bấm số tự nhiên như hiện nay.

Như vậy vừa đáp ứng được nguyện vọng sử dụng biển số đẹp của người dân, nhưng cũng đáp ứng được tiêu chí phục vụ người dân.

Một vấn đề mà nhiều khán giả đưa ra, thế nào là biển số đẹp? Thì qua khảo sát các nước trên thế giới, cũng như khảo sát đánh giá nguyện vọng của người dân thì người dân khẳng định rằng, biển số đẹp chính là biển số mà người dân yêu thích.

Cái thứ hai đó là giá trị của biển số. Chúng tôi thấy là giá trị thực của biển số chính là giá biển số đó trúng đấu giá. 

Trong Nghị quyết cũng đã quy định rất rõ ràng đối với quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe đó là, khi chuyển nhượng thì người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số xe đó, lắp cho xe khác. Đây là một vấn đề rất mới, đảm bảo được quyền của người ta khi bỏ ra một giá trị tài sản thì người ta được hưởng cái quyền đó. Đó là quyền khi mà sang chuyển nhượng trao đổi được giữ lại biển số và đăng ký cho xe khác.

Cái thứ hai đó là nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số: Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá phải thực hiện việc đăng ký biển số đó gắn với phương tiện, nếu không đăng ký xe thì sẽ bị thu hồi.

Tại sao chúng tôi chọn ra thời điểm 12 tháng bởi vì hiện nay với thời gian 12 tháng, là thời gian vừa đủ để người dân thực hiện các thủ tục mua bán xe ô tô, cũng như thủ tục nhập khẩu hiện nay.

Tiếp đó, người trúng đấu giá biển số ô tô được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá như quy định hiện hành (biển số theo xe).

Vấn đề thứ 3 đó là, người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.

Tức là, có 2 quyền khác nhau rõ ràng, một là người trúng đấu giá, thì được giữ lại biển số xe đó, đăng ký cho xe khác. Còn người thứ 2 là người được thừa kế, chuyển nhượng trao đổi... thì được bán biển số theo xe, chứ không được giữ lại biển số xe.

Vấn đề tiếp theo nữa là giá khởi điểm và tiền đặt cược. Qua nghiên cứu thực tiễn ở các địa phương, cũng như tình hình kinh tế xã hội chúng tôi đã đưa ra các mức tiền là, ở TPHCM và Hà Nội là 40 triệu/biển số; các địa phương còn lại khởi điểm từ 20 triệu đồng/biển.

Độc giả Hoàng Anh: Xin hỏi luật sư Đặng Văn Cường, ông nhận định như thế nào về dự thảo thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá?

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường: Để ý tưởng đấu giá biển số xe trở thành hiện thực thì cần có sự điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật. Nếu dự thảo nghị quyết được Quốc hội thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện cấp quyền lựa chọn biển số xe, hay còn gọi là đấu giá biển số xe.

Việc này sẽ đáp ứng được nhu cầu của rất nhiều người dân và mang lại giá trị tích cực cho xã hội.

Thứ nhất, nó sẽ thỏa mãn nhu cầu có biển số xe đẹp của nhiều người. Thứ hai, nó mang lại một nguồn thu ngân sách đáng kể cho nhà nước. Đặc biệt, đấu giá biển số xe sẽ giảm bớt tiêu cực. Bên cạnh đó, những quy định trong dự thảo sẽ vẫn đảm bảo được công tác quản lý các phương tiện giao thông.

Có thể nói nếu được Quốc hội thông qua trong thời gian tới, Nghị quyết này sẽ được đưa vào thực tiễn với tinh thần: "Phục vụ nhân dân, vì nhân dân phục vụ".

Độc giả Quân Bảo: Với dự thảo này có thể thấy chúng ta đang thay đổi cách quản lý biển số xe trúng đấu giá. Xin được hỏi Thiếu tướng Lê Xuân Đức, khi tồn tại 2 dạng biển số đấu giá và biển số ngẫu nhiên không qua đấu giá thì việc quản lý 2 loại biển này sẽ như thế nào?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT: Chúng tôi đã xây dựng phần mềm quản lý, trong đó có hồ sơ điện tử. Khi người dân ở TPHCM trúng đấu giá ở Hà Nội, người dân chỉ cần đến Phòng CSGT ở TPHCM để đăng ký biển số xe ở Hà Nội, như vậy rất thuận lợi.

Chúng tôi cũng thấy rằng, việc kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư và có cơ sở dữ liệu về đăng ký quản lý xe ở hồ sơ điện tử... sẽ giúp quản lý rất tốt và để người dân không cần phải đi lại giữa các địa phương, tạo điều kiện cho người dân tham gia đấu giá thuận lợi nhất.

Đồng thời, chúng tôi cũng xây dựng một phần mềm kết nối giữa phần mềm hệ thống đấu giá với phần mềm đăng ký xe hiện nay để tạo sự đồng nhất. Vừa quản lý chặt chẽ được biển số xe ô tô đấu giá theo hình thức mở, đồng thời cũng quản lý chặt chẽ đối với biển số xe đăng ký ở tại địa phương, từ đó mới có hoạch định về chính sách để tính ra lưu lượng phương tiện hoạt động ở các địa phương... để phục vụ công tác phát triển lâu dài về trật tự an toàn giao thông.

Độc giả Quân Bảo: Cũng liên quan câu hỏi này, Luật sư có cho rằng điều này là hợp lý khi rõ ràng, một chiếc biển kiểm soát ra đời là để quản lý phương tiện gắn liền với nó. Chiếc biển số đi theo một người suốt đời có thể hiện được vai trò quản lý phương tiện?

Luật sư Đặng Văn Cường: Tôi thấy rằng, điểm khác biệt lớn khi tổ chức triển khai Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe là trước kia, biển số theo xe, còn hiện nay biển số cấp theo người.

Những quy định về quyền, nghĩa vụ trong dự thảo là người trúng đấu giá biển số xe được quyền giữ lại, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế cho thấy, biển số xe không chỉ là mã số định danh và phương thức quản lý phương tiện giao thông, nó đã trở thành một tài sản đặc thù.

Người quản lý tài sản đó đã được thực hiện quyền tương đối cơ bản của chủ sở hữu tài sản. Những quyền, nghĩa vụ này sẽ là cơ sở để khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân tham gia đấu giá.

Độc giả Đức Duy: Việc đấu giá biển số xe đẹp đã được Cục Cảnh sát giao thông đề xuất từ năm 1993, tuy nhiên một nút thắt lớn nhất kéo dài từ thập kỉ trước cho đến nay vẫn chưa có lời giải đó là Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa coi biển số xe là tài sản, mà đây được xác định "là tài liệu của cơ quan nhà nước". Hơn nữa, luật còn "cấm mua, bán biển số xe". Điểm vướng về thủ tục pháp lý này được gỡ như thế nào thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT: Chúng ta thấy rằng, không những ngay bây giờ mà từ năm 1993, người dân cũng đã có nhu cầu sử dụng biển số đẹp. Tuy nhiên khi Bộ Công an được Chính phủ giao nghiên cứu đề xuất chủ trương đó thì rất vướng về mặt pháp lý.

Khi đó chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định biển số xe là tài sản công. Khi đã là tài sản công thì mới được đấu giá.

Thứ hai là đấu giá theo phương thức hình thức nào? Thời điểm đó chưa có văn bản quy định nào về việc đấu giá.

Thứ ba đó là Luật Ngân sách. Khi đó chúng ta đấu giá thì tiền trúng đấu giá đó được sử dụng vào đâu? Luật khi đó chưa quy định nộp vào ngân sách Nhà nước.

Thứ tư đó là Luật Giao thông đường bộ lại cấm mua bán biển số xe. Chính vì những sự đan xen chưa thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công an mới được Chính phủ giao một đề xuất để tháo gỡ những vướng mắc. Từ đó chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ, Quốc hội về Nghị quyết thí điểm việc cấp quyền lựa chọn biển số thông qua đấu giá.

Đây là một văn bản pháp luật có hiệu lực giải quyết thống nhất vấn đề này, và khi giải quyết được thì sẽ tạo thành hành lang pháp lý cho cơ quan thực thi pháp luật, đáp ứng được nguyện vọng của người dân và nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước.

Độc giả Hoàng Tiến Đạt: Theo tờ trình của Chính phủ, biển số xe được xác định là tài sản công. Khi biển số xe được coi là tài sản thì chủ sở hữu tài sản đó phải có các quyền quản lý, quyền sử dụng, quyền định đoạt như thế nào?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT: Chúng ta thấy rằng Luật Tài sản công đã quy định biển số xe nằm trong kho số, là tài sản công, các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc đấu giá và quản lý tài sản công đó.

Đây là một loại tài sản rất đặc thù, không giống một loại tài sản nào khác. Ví dụ biển số xe thì phải gắn với xe và gắn với đăng ký phương tiện thì chiếc xe đó mới lưu thông được.

Với tài sản đặc thù nên quyền cũng là quyền đặc thù. Người trúng đấu giá biển số xe chỉ được giữ lại biển số xe đăng ký cho xe khác, đồng thời được trao đổi sang nhượng. Còn với người được nhượng lại, trao đổi, mua bán biển số xe đó, thì không được cái quyền đó. Đó là quyền đặc thù của công tác quản lý nhà nước về đấu giá biển số xe.

Luật sư Đặng Văn Cường: Nói về tài sản, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, tài sản liệt kê bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản… Trong quy định mới, biển số xe được xác định là tài sản. Theo nội dung dự thảo, các quyền cơ bản của chủ sở hữu tài sản cũng đã được đảm bảo.

Bộ luật Dân sự quy định, chủ sở hữu tài sản có các quyền cơ bản là quyền quản lý, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Quyền quản lý là nắm giữ, quản lý tài sản của mình. Quyền sử dụng là khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức. Quyền định đoạt là quyền quyết định số phận pháp lý của tài sản. Ở đây, biển số xe được xác định là tài sản thì người trúng đấu giá sẽ được quản lý, sử dụng biển số xe để gắn với một xe nào đó thuộc quyền sở hữu hợp pháp. Người trúng đấu giá được phép khai thác đem lại hoa lợi, lợi tức bằng hình thức cho thuê, chuyển nhượng.

Quyền định đoạt cũng thể hiện ở chỗ có thể chuyển nhượng, tặng cho hoặc thừa kế. Quy định này tương đối đầy đủ các quyền năng cơ bản của chủ sở hữu tài sản.

Khi được xác định là tài sản thì sẽ có cơ sở pháp lý để tổ chức đấu giá theo thủ tục đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, đây là loại tài sản đặc thù, đặc biệt. Do đó, nó không phải là vật thông thường. Biển số xe nếu không gắn vào xe theo đúng thời hạn thì không thể phát huy đầy đủ giá trị và không đảm bảo công tác quản lý.

Đây mới chỉ là thí điểm, nếu nhu cầu của người trúng đấu giá cao hơn nữa ví dụ như họ muốn mang thế chấp, góp vốn bằng biển số xe. Hoặc người trúng đấu giá muốn người mua cũng nhận được quyền như họ. Khi đó, người trúng đấu giá sẽ nhận được nhiều giá trị hơn và họ chấp nhận chi trả số tiền lớn hơn.

Tôi cho rằng, cần tổng hợp các kết quả từ thí điểm để có thể sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Độc giả Tây Đô: Thưa Thiếu tướng Lê Xuân Đức, ông có thể nói rõ hơn về những quy định của dự thảo Nghị quyết trong việc quy định đấu giá biển số xe ô tô, làm sao để chống gian lận, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân ai cũng có quyền lựa chọn biển số theo sở thích và khả năng tài chính?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT: Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, Bộ Công an cũng đã đưa ra các tình huống giả lập đồng thời cũng có các giải pháp để làm sao cuộc đấu giá được công khai minh bạch, tránh được những gian lận.

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, trước đấu giá 30 ngày, Bộ Công an đăng tải toàn bộ những dãy số đã được cấp cho các địa phương trên cổng thông tin điện tử, trên các phương tiện truyền thông... để minh bạch công khai, người dân lựa chọn biển số mà người dân ưa thích để đăng ký.

Người dân có thể đến trực tiếp phòng CSGT hoặc đăng ký qua mạng... rất mở.

Bộ Công an cũng được Chính phủ giao chọn đơn vị đấu giá biển số chuyên nghiệp để độc lập thực hiện việc đấu giá.

Thứ ba là đấu giá trực tuyến công khai để mọi người dân tham gia. Như vậy việc đấu giá được kiểm soát, công khai trong suốt quá trình trước, trong và sau đấu giá.

Tiếp đó là sự giám sát của người dân, sự vào cuộc của cơ quan truyền thông. Việc tiêu cực, lợi dụng đấu giá... cơ bản đã được lường trước và có biện pháp phòng chống... để cuộc đấu giá được công khai, minh bạch, đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Độc giả Việt Cường: Từ trước đến nay những phương tiện may mắn gắn với biển số đẹp thường được mua đi bán lại với giá cao hơn nhiều lần so với giá trị thực. Việc đấu giá biển số xe được kỳ vọng sẽ mang lại một nguồn thu lớn cho nhà nước. Tuy nhiên dư luận cũng băn khoăn khả năng nhiều biển số xe đẹp sẽ được các "trung gian" đấu giá "theo lô" (đấu giá nhiều biển một lúc) rồi mua đi bán lại ăn chênh lệch, rồi tình trạng "quân xanh quân đỏ" gây mất kiểm soát?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT: Thứ nhất là chúng ta phải chặt chẽ các quy định của pháp luật để người lợi dụng việc đó không có kẽ hở để thực hiện được.

Ví dụ: Việc quản lý biển số trúng đấu giá, quyền của người trúng đấu giá là được quyền sang nhượng, cho tặng và giữ lại biển số đăng ký cho xe khác. Nhưng với người thứ 2 chỉ được quyền bán biển số đó theo xe và không được giữ biển. Đó chính là mặt pháp lý để chống trường hợp đầu cơ kho số, kinh doanh.

Từ đó chúng tôi phải chặn từ văn bản quy phạm của pháp luật.

Thứ hai là chúng tôi dự báo các tình huống trên không gian mạng... Chúng tôi xây dựng các bức tường lửa để ngăn chặn các tình huống xâm nhập vào cuộc đấu giá.

Thứ ba là chúng tôi làm tốt việc điều tra cơ bản.

Nhãn

Luật sư Đặng Văn Cường: Tôi cho rằng, việc đấu giá tài sản đã có luật. Các trung tâm đấu giá độc lập ngày càng phát triển. Các lực lượng đảm bảo an ninh mạng cũng được hoàn thiện hơn. Do đó, định hướng đấu giá qua mạng là định hướng đúng và phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ.

Sẽ có những người có ý định xấu như đầu cơ, gian lận, tác động tiêu cực vào hoạt động đấu giá. Tuy nhiên, những mong muốn của người xấu có thực hiện được không thì còn phụ thuộc vào công tác quản lý; việc đấu giá có đúng quy trình, quy định không? Người thực hiện có tuân thủ pháp luật hay không?

Việc đấu giá công khai minh bạch, áp dụng công nghệ cùng với sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng sẽ giảm thiểu được rủi ro, tiêu cực và đẩy lùi ý tưởng xấu để những biển số đẹp có thể công khai cho người có nhu cầu.

Đấu giá qua mạng, mọi người dân đều có thể tham gia. Đồng thời, thủ tục đấu giá sẽ có sự kiểm soát và ngăn chặn kịp thời nếu có hành vi can thiệp trái pháp luật.

Độc giả Ngô Quang Tuấn: Cơ sở nào để dự thảo đưa ra 2 mức giá đấu giá khởi điểm là 40 triệu đồng (với Hà Nội và TPHCM) và 20 triệu đồng với các tỉnh thành còn lại?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT: Đây cũng là một vấn đề mang tính đặc thù vì chưa được quy định trong luật.

Trong quá trình xây dựng hội thảo, Nghị quyết, chúng tôi đã tham khảo kinh nghiệm trên thế giới về giá khởi điểm. Có những nước giá khởi điểm bằng 0 nhưng đằng sau đó hiện vật được đấu giá có thể mang giá trị hàng triệu đô la.

Ở Việt Nam, đầu tiên chúng tôi căn cứ vào thông tư của Bộ Tài chính về mức thu lệ phí ở Hà Nội, TPHCM và các địa phương khác.

Thứ hai, khi khảo sát ngoài thực tiễn cho thấy chiếc xe đi lại của người dân có giá trị thường 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Tính 5% giá trị của phương tiện đó thì chúng tôi tính ra cũng khoảng 20-40 triệu đồng.

Do vậy chúng tôi đặt ra mức 40 triệu đồng (ở Hà Nội và TPHCM vì có mức thu nhập cao hơn) và các địa phương còn lại là 20 triệu đồng.

Qua quá trình đấu giá sẽ thấy phù hợp với thực tiễn và đây là vấn đề chúng tôi đã thảo luận rất nhiều lần.

Ngay khi giải trình ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cử tri đã chất vấn về vấn đề này rất nhiều.

Mức khởi điểm đó cũng tránh việc bỏ đặt cược vì tiền đặt cược phải theo giá khởi điểm. Theo Luật Đấu giá, tiền đặt cược là 5% của 20 triệu đồng. Chúng tôi quy định tiền đặt cược bằng với giá khởi điểm. Đấy là điểm khác so với luật để đưa vào Nghị quyết lần này.

Độc giả Lê Trung Nguyên: Một cuộc thăm dò trên Báo điện tử Dân trí với câu hỏi "nên hay không đấu giá biển số xe" cho kết quả 65% người được hỏi đồng ý và 35% không đồng ý. 65% có vẻ là con số khả quan thể hiện sự đồng tình hưởng ứng của dư luận với dự thảo lần này. Thực tế hiện nay đấu giá biển số xe có xa lạ với các nước trên thế giới không?

Luật sư Đặng Văn Cường: Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã cho phép lựa chọn biển số xe theo ý thích của người dân. Ngoài Mỹ, các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Myanmar cũng đã áp dụng từ lâu.

Nhu cầu theo khảo sát của báo Dân trí thì quá 50% số người đồng ý là cao. Khi đời sống văn hóa được nâng cao, xã hội phát triển thì các quy định của pháp luật càng phải mở rộng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ý tưởng này hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Về nguyên tắc, quy trình quản lý xã hội từ chính sách đến thể chế hóa thành pháp luật, tổ chức áp dụng pháp luật, tổng kết thực tiễn, điều chỉnh lại chính sách rồi lại điều chỉnh lại pháp luật, đưa vào áp dụng là một quy trình liên tục để cho xã hội phát triển.

Văn bản mới ở dạng nghị quyết của Quốc hội. Đây là văn bản dưới luật, chưa phải văn bản pháp lệnh hoặc luật. Vì thế, lựa chọn loại hình văn bản quy phạm pháp luật để đưa vào là hợp lý. Thứ hai, văn bản ở dạng thí điểm, trong quá trình tổ chức áp dụng sẽ tính toán đến tính hiệu quả, khả thi để sửa đổi, bổ sung.

Vì thế, tôi cho rằng, dự thảo lần này đã đáp ứng được các tiêu chí cơ bản về chính sách, pháp luật, tính khả thi và nguyện vọng của nhân dân.

Độc giả Huy Phong: Vào ngày 22/9 vừa qua, tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội, 100% đại biểu đã đồng ý bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Sau gần 30 năm, dự thảo đã có một bước tiến mới, ông có kỳ vọng gì ở lần trở lại này?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT: Chúng ta thấy rằng, sau 30 năm trăn trở với đề án, qua khảo sát của báo Dân trí, chúng ta thấy kết quả 65% người dân mong muốn được đấu giá biển số là một con số biết nói.

Mừng hơn nữa là trong ngày 22/9, 100% đại biểu Quốc hội đồng thuận với việc đưa Nghị quyết vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022.

Đây là một chỉ đạo có quyết tâm rất lớn của lãnh đạo Bộ Công an, với tiêu chí phục vụ người dân, lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều ở Nghị quyết lần này.

Đầu tiên, chúng ta đã xây dựng một hành lang pháp lý để các cơ quan chức năng triển khai thực hiện.

Thứ hai là đáp ứng được nguyện vọng của một bộ phận người dân có mong muốn sử dụng biển số đẹp. Đồng thời có thể thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân trong việc đăng ký quản lý phương tiện.

Thứ ba là có thể thu được nguồn ngân sách cho Nhà nước.

Việc đấu giá công khai minh bạch, dưới sự giám sát của người dân, ứng dụng công nghệ thông tin. Cùng sự vào cuôc của cơ quan chức năng, đặc biệt là truyền thông, tôi nghĩ rằng đợt thực hiện Nghị quyết thí điểm lần này sẽ đạt được kết quả rất tốt.

Theo "Cổng thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông"

Tin cùng chuyên mục

Liên kết web Liên kết web

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

0 0 0 9 1 4 3 3 1 4
Hôm nay: 1.452
Hôm qua: 4.275
Tuần này: 16.495
Tháng này: 164.215
Tổng cộng: 9.143.314